LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ: ĐỀN PHÚC ẤM (xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩn
LÝ LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ:
ĐỀN PHÚC ẤM
(xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh)
Đền Phúc Ấm được phân bố tại thôn Phúc Ấm, xã Chu Lễ, huyện Hương Sơn xưa, nay thuộc thôn 6, xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đền thuộc loại hình di tích Lịch sử văn hóa, nơi thờ tín ngưỡng thành hoàng làng.
Đền Phúc Ấm thờ vị thần Bản cảnh Thành hoàng “Đô đô thống chế Đại tướng quân, Tổng quản Ngọc Khê Hầu”, một danh nhân lịch sử thế kỷ XVII, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng Phúc Ấm, xã Chu Lễ, huyện Hương Sơn trước đây, nay là xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đền Phúc Ấm trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương qua mọi thời đại.
“Đô đô thống chế Đại tướng quân, Tổng quản Ngọc Khê Hầu” là tước hiệu của ông Dương Đô (? - 1676), không rõ năm sinh, mất ngày 16 tháng 02 năm Bính Thìn, thuộc đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676), quê tại làng Thiên Mộ, xã Bàu Lăng, phủ Đức Quang, đạo Nghệ An xưa (nay là xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Thuở nhỏ, ông có tiếng thông minh, có chí học hành và sức khẻ hơn người, lại có tài văn võ hiếm ai sánh kịp. Lớn lên, tiếng lành đồn xa, được huyện và tổng cử làm cai quản tổng Thổ Hoàng, kiêm kiểm soát các tổng Phúc Lộc, Chu Lễ, Quy Hợp.
Vào những năm đầu và giữa thế kỷ XVII, nước nhà có loạn “giặc núi” ở vùng biên viễn phía tây của Tổ quốc gồm 12 động, sách từ xã Phú Gia giáp dãy Trường Sơn sang tận nước bạn Lào, làm cho nhân dân địa phương điêu đứng và khổ sở nhiều bề. Nhà vua biết ông Dương Đô là người có tài thao lược, lại thông hiểu địa bàn vùng đất này, cho nên đã triệu ông về Kinh đô, giao cho chức Quản cơ, cấp bằng “Vệ quốc đốc binh”, phong làm tướng quân chỉ huy một đội quân được tuyển từ 3 tổng Chu Lễ, Phúc Lộc và Quy Hợp, ngày đêm luyện tập và đóng đồn ở xã Trúc Lâm (vùng chợ Trúc- xã Hà Linh ngày nay). Sau khi quân lính đã thành thạo võ nghệ, kỹ chiến thuật nhà binh, ông dẫn đến vùng biên ải dẹp trừ giặc cỏ ở sông Nại Hà, nhằm bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc. Với tài trí vốn có của mình, cộng thêm kinh nghiệm và am hiểu địa phương khi còn làm tổng quản, ông đã chỉ huy quân lính đánh tan “giặc núi” và tiếp tục nhiệm vụ ngày đêm tuần tra biên giới, quét sạch tàn dư quân giặc, bảo vệ cho nhân dân yên ổn làm ăn, sinh sống. Nhờ lập được nhiều chiến công xuất sắc, ông đã được triều đình nhà Lê phong tước “Hầu” (Ngọc Khê Hầu)
Đội quân của ông trên đà chiến thắng cuối cùng, thì chẳng may trong lúc đưa quân đi tuần tra biên giới, đêm đến nghỉ tại trận tuyến cũ ở núi Nhạc, thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, ông mắc võng nằm ngủ dưới sự canh gác của quân lính. Thì đột nhiên có một con hổ dữ xông tới cắn ông chết, đó là đêm 16 tháng Hai năm Bính Thìn (1676). Quân lính hò hét và đuổi được hổ dữ và đưa thi hài ông về quê an táng. Theo truyền ngôn, trời đã xế chiều, họ để thi hài ông tại đồn qua đêm để sáng mai tiếp tục lên đường. Đêm đó thi hài ông đã bị mối vùi cao. Cho đó là điềm thiên táng, nên tại đây về sau nhân dân đã lập đền thờ ông, gọi là đền Ngàn Trụ, thuộc xã Phú Gia (đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007). Sau đó quân lính tiếp tục đưa thi hài ông về quê mai táng chu đáo. Phần mộ ông hiện nay ở tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, đang được hậu duệ dòng họ Dương-Hương Khê bảo quản, chăm sóc và hương khói chu đáo.
Được tin ông mất, nhà vua rất lấy làm thương tiếc và ban tặng sắc phong, ghi nhận công lao và cho phép nhân dân các địa phương, những nơi ông từng trấn nhậm và hy sinh được lập đền thờ ông, ngày đêm hương khói mãi mãi về sau. Đền Phúc Ấm được lập để thờ Ngọc Khê Hầu-Dương tướng công cũng nằm trong tâm thức tín ngưỡng dân gian ấy. Bởi trên đường đưa thi hài ông về quê, khi đến thôn Phúc Ấm, thì những giọt máu tươi của ông đã nhỏ xuống nơi đây và sau đó hiển linh, phù trợ, giúp đỡ dân làng. Nhân dân thương tiếc, ghi nhớ công ơn lập đền thờ và tôn ông Dương Đô thành vị thần Bản cảnh Thành hoàng làng của mình. Về sau, các triều vua nhà Nguyễn từ vua Tự Đức đến vua Khải Định đã ban tặng sắc phong, tôn ông làm Thành hoàng làng Phúc Ấm như lời sở nguyện của nhân dân làng Phúc Ấm, huyện Hương Khê.
Các sắc phong này trước đây được nhân dân làng Phúc Ấm bảo quản, gìn giữ chu đáo. Năm 1947, theo chủ trương của Chính phủ về việc hợp tự các đền chùa trong toàn huyện Hương Khê về đền Công Đồng, xã Phú Gia. Toàn bộ số sắc phong vua ban của làng Phúc Ấm (gồm 07 đạo sắc) đã được nhân dân đem đi hợp tự. Hiện nay số sắc phong này đang được lưu giữ bảo quản chu đáo tại nhà ông Cố Đạo, thuộc Ban quản lý di tích Quốc gia đền Công Đồng, Miếu Trầm Lâm và thành Sơn phòng, xã Phú Gia. Các đạo sắc này đã được Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Thư viện tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh sao chụp, số hóa, lưu giữ vào ngày 16 tháng 6 năm 2014.
Đến thời cận đại, năm Ất Dậu (1885) vua Hàm Nghi xuất bôn ra thành sơn phòng Hà Tĩnh ở xã Phú Gia, kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp, quan quân của nhà vua đã đến đóng quân tại địa phương trong một thời gian ngắn rồi mới chuyển về thành sơn phòng Hà Tĩnh. Quân lính về đây lập đồn trại, ụ súng canh phòng cẩn mật, đã được nhân dân đùm bọc che chở và giúp đỡ hết sức tận tình chu đáo.
Thời kỳ cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, Đền Phúc Ấm là địa điểm tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết tuyên truyền cách mạng và vận động thành lập Nông hội đỏ. Đền còn là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản cơ sở II huyện Hương Khê, nhà giáo Mai Phì, người thôn Phúc Ấm đã trở thành Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Hương Khê. Ngày 20 tháng 4 năm 1931, nhân dân làng Phúc Ấm, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của các đảng viên Cộng sản đã kéo về Rôộc Cồn (xã Phú Phong), cùng nhân dân cả huyện Hương Khê tham gia cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam triều, mở đầu cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Phúc Ấm là nơi tập kết của các đơn vị dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến trường Bình Trị Thiên, Trung và Hạ Lào. Đền đã trở thành nơi gặp gỡ chia sẻ giữa kẻ ở người đi các chiến trường trong tình thương đồng chí, nghĩa đồng bào.
Lễ hội Đền Phúc Ấm có nhiều, nhưng chủ yếu diễn ra vào tháng Giêng và ngày Giỗ của Ngọc Khê Hầu- Dương Tướng quân 16 tháng 2 âm lịch. Đây là các ngày hội vui nhất của nhân dân địa phương. Trai gái náo nức chờ đến ngày này để được mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình, để được gặp gỡ giao lưu với bè bạn qua lời ca tiếng hát dặm, vè, ví....
Có thể nói, Đền Phúc Ấm là nơi thờ vị nhân thần- Danh nhân lịch sử Dương Tướng công-Ngọc Khê Hầu, người có công với dân với nước vào những năm giữa thế kỷ XVII, gắn liền với sự hình thành, phát triển và đi lên của nhân dân địa phương làng Phúc Ấm, xã Chu Lễ xưa, nay là xã Hương Long, huyện Hương Khê. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi giao lưu gặp gỡ của cộng đồng dân cư làng xã qua hàng trăm năm, nơi duy trì nhiều phong tục lệ làng tốt đẹp, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống mang đậm tính chất nhân văn sâu sắc.
Từ trước đến nay, hàng năm tại đền Phúc Ấm có nhiều ngày lễ hội, với các ngày lễ hội chính như sau:
- Mồng 7 tháng Giêng- Lễ khai hạ.
- Rằm tháng Giêng- Ngày lễ Thánh.
- 22 tháng Giêng- Lễ cầu yên.
- Ngày 25 tháng Giêng- Lễ tự điển.
Lễ hội đền Phúc Ấm đồng thời là ngày Hội của làng Phúc Ấm. Vào dịp lễ hội dân làng tổ chức rước các sắc bằng, kiệu bát cống, cờ quạt võng lọng, binh khí…Sau đó tổ chức tế lễ với nghi thức long trọng, trang nghiêm và thành kính, dưới sự tổ chức điều hành của các vị phụ lão có uy tín trong làng, do nhân dân cử ra. Lễ vật là những sản phẩm nông nghiệp do dân làng làm ra như xôi, gà, hoa quả, bánh trái…Sau tế lễ, mọi người bất kể là chức sắc hay thứ dân, người trong làng hay ngoài xã đều chung nhau hưởng lộc Thánh Thành hoàng. Cũng qua lễ hội của làng tại đền Phúc Ấm, nhiều quy định của làng, của xã được bàn bạc thông qua, mối quan hệ cố kết cộng đồng làng xóm, họ tộc được xử lý giải quyết trên tinh thần dân chủ, tương thân tương ái sâu sắc.
Đền Phúc Ấm được xây dựng tại làng Phúc Ấm, xã Chu Lễ xưa, nay thuộc xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đền nằm biệt lập ở ngoài rìa làng, cách khu dân cư khoảng vài trăm mét. Đền được xây dựng từ lâu đời, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, lần gần đây nhất là vào năm 2010. Hiện nay Đền Phúc Ấm là một công trình được xây dựng chưa hoàn chỉnh theo truyền thống, mặt ngoảnh hướng tây nam, mới chỉ có một hạng mục duy nhất là đền chính, với một khuôn viên rộng trên 3199m2 và một giếng cổ, gọi là giếng Đền, là một trong 3 giếng cổ ở xã Hương Long hiện nay. (Giếng Đền, giếng Su và giếng Trời).
Với những giá trị lịch sử văn hóa của Di tích Đền Phúc Ấm như đã nêu ở trên đây năm 2014 Đền Phúc Ấm được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Một lần nữa, chúng tôi cầu mong cho quý vị đại biểu, bà con Nhân dân và con em Hương Long trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài có sức khỏe dồi dào, làm ăn thịnh vượng, gia đình hạnh phúc. Trân trọng cảm ơn.